Một ngày giữa tháng 10,ữngbànộitrợgópsứcchotươnglaicủtên trung quốc He cẩn thận xem xét các biển báo và hình ảnh các con đường. Nhiệm vụ của cô là xác định các điểm khác biệt và cập nhật nền tảng điều hướng để người dùng có thông tin chính xác nhất.
Mỗi cú nhấp chuột của cô đều là đóng góp thầm lặng nhưng quan trọng cho quá trình máy học vốn phức tạp và rộng lớn. "Tôi thích nghề này", người phụ nữ 35 tuổi ở Thanh Giản, tỉnh Thiểm Tây chia sẻ.
He làm việc này từ năm 2020, khi gia nhập công ty đào tạo AI Qingjian Aidou, một doanh nghiệp xã hội ở Thanh Giản.
Nghề của He được gọi là "dán nhãn AI" hay chú thích dữ liệu là quá trình gắn thẻ và phân loại lượng lớn dữ liệu để huấn luyện các mô hình AI. Công việc này được thực hiện bằng con người, thường mất nhiều thời gian và công sức nhưng cần thiết cho sự phát triển của tất cả các ứng dụng AI, bao gồm ôtô tự lái, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và máy học.
Theo dữ liệu từ cơ quan nghiên cứu Insight and Info, thị trường ghi nhãn dữ liệu của Trung Quốc ước tính đạt hơn 5 tỷ nhân dân tệ, tăng 17% so với năm ngoái giải quyết việc làm cho gần hai triệu người.
Nghề này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động phổ thông, đặc biệt là phụ nữ, người khuyết tật và những người thuộc các nhóm dễ tổn thương. Chính quyền các địa phương cũng nhận ra tiềm năng của ngành này trong việc hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là ở các vùng sâu xa và kém phát triển như Thanh Giản, một trong huyện nghèo nhất cả nước.
Hiện mô hình của AI Qingjian Aidou nhân rộng ra các huyện lân cận, cung cấp 900 việc làm cho dân địa phương, hầu hết là người mới tốt nghiệp cấp hai hoặc cấp ba.
He thừa nhận tính chất khắt khe của công việc, đặc biệt là yêu cầu về độ chính xác gần như hoàn hảo, cùng với đó là sự tẻ nhạt của những công việc lặp đi lặp lại. Ví dụ nhân viên được yêu cầu gắn nhãn cho hàng nghìn hình ảnh về chó và mèo, đảm bảo xác định chính xác từng con vật trong mỗi hình ảnh. Vì nhàm chán nên có thể mệt mỏi và mắc sai lầm.
Bất chấp những thách thức, cô thấy công việc này đáng làm theo nhiều cách. Đó là cảm giác kích thích khi hoàn thành nhiệm vụ khó khăn và độc lập tài chính. Quan trọng hơn, công việc đặc biệt phù hợp với cô, một người khuyết tật.
Cô được trả thù lao theo độ phức tạp của hình ảnh và các yêu cầu cụ thể của dự án. Và với kinh nghiệm của mình, cô có thể xem hơn 20.000 hình ảnh mỗi ngày, trung bình mỗi hình chỉ mất vài giây. Công việc mang lại cho cô khoảng 4.000 đến 5.000 tệ (14-17,5 triệu đồng) mỗi tháng, cao gấp đôi lương nhân viên nhà nước. Đặc biệt khi tăng ca cô có thể được hơn 8.000 tệ (28 triệu đồng).
Đồng nghiệp Li Fang, một bà nội trợ hai con, cũng tìm thấy sự độc lập về kinh tế và được trao quyền trong các quyết định của gia đình. "Chồng tôi tin rằng việc học khiêu vũ của con gái là phù phiếm, nhưng giờ tôi ủng hộ niềm đam mê của con bé bằng số tiền kiếm được", cô chia sẻ.
Theo giáo sư xã hội học Yang Jianghua, Đại học Giao thông Tây An, người có nhóm đã nghiên cứu việc làm kỹ thuật số ở 19 quận huyện, bao gồm cả Thanh Giản, tác động xã hội của ngành dán nhãn dữ liệu ở các khu vực kém phát triển thường lớn hơn lợi ích kinh tế.
Trong nhiều thập kỷ, cư dân vùng nông thôn Trung Quốc đã di cư đến các thành phố để làm việc, bỏ lại gia đình. Nhưng ở Thanh Giản hiện nay, khoảng 70% nhân viên là những bà mẹ sinh đầu 9X. Nhiều người lớn lên không có cha mẹ vì luôn đi làm xa, vì vậy những công việc kỹ thuật số tại địa phương như vậy rất quan trọng. "Nhiều bà mẹ từng là đứa con bị bỏ lại cho công việc này là giải pháp cho mong muốn ở bên con mà vẫn có thu nhập tốt", giáo sư Yang nói.
Nhưng trong những tháng gần đây, sự phụ thuộc vào con người để đảm bảo độ chính xác của dữ liệu trong ngành AI đang bị thách thức bởi chính những công nghệ mà họ đã giúp phát triển. Các mô hình AI tinh vi đang vượt qua các kỹ năng của con người.
Mặc dù Qingjian Aidou vẫn nhận được lượng đơn đặt hàng ổn định nhưng một số nhân viên thừa nhận rằng lương giảm trong khi mức độ phức tạp của nhiệm vụ ngày càng tăng. Nhiệm vụ mới hiện nay thường liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn đòi hỏi kiến thức về tài chính và y học. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã bắt đầu tiến hành các buổi đào tạo để nâng cao trình độ cho lực lượng lao động. "Một số người mới tốt nghiệp cấp 2 và cấp 3 đã nghỉ việc vì nhiệm vụ ngày càng trở nên khó khăn với họ", Yu nói.
Cao Yali trở về quê hương Qingjian từ Tây An để chăm sóc gia đình. Khi vào đây làm, cô có lương tốt hơn trước đây, trong khi chi phí sinh hoạt thấp. Cô cho biết cô không chỉ có thể hỗ trợ cha mẹ mà còn tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn. Gần đây cô đã mua một chiếc ôtô và lên kế hoạch đi cắm trại với đồng nghiệp.
Khi được hỏi có lo lắng mất việc vào tay AI không, cô cho biết công việc hiện tại khá ổn định và không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân. "Bất chấp những tiến bộ công nghệ, tôi tin rằng sẽ luôn có chỗ cho con người", cô nói.
Bảo Nhiên(TheoSixthtone)